Bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài
Sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của con người mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và khoa học – công nghệ. Pháp luật quyền tác giả được hình thành nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ thể sáng tạo, thúc đẩy sáng tạo, đồng thời khai thác hiệu quả các sản phẩm trí tuệ trong lĩnh vực này. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, các quốc gia đã ban hành pháp luật và xúc tiến những thỏa thuận quốc tế về vấn đề này. Đặc biệt vấn đề quyền tác giả trong tư pháp quốc tế – quyền tác giả có yếu tố nước ngoài cũng được bảo hộ hợp lý.
Quyền tác giả là là một nhóm của quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm những quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với các tác phẩm văn học, khoa học và nghệ thuật và các quyền đó được nhà nước bảo hộ cho một thời hạn nhất định. Bảo hộ quyền tác giả là những cách thức, biện pháp được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng với mục đích tạo ra hành lang pháp lí nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, xác lập quyền của chủ thể đối với đối tượng và quyền tác giả tương ứng và bảo vệ quyền đó chống lại bất kì sự vi phạm nào của bên thứ 3. Việc bảo hộ quyền tác giả có yếu tố nước ngoài được chia làm hai trường hợp:
– Trường hợp có điều ước quốc tế điều chỉnh: Công ước Bécnơ; Hiệp định TRIMs, Hiệp định Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định giữa Việt Nam – Thụy Sỹ; Hiệp định khung Việt Nam – ASEAN;
– Trường hợp không có các điều ước quốc tế điều chỉnh thì quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài sẽ được bảo hộ tại Việt Nam theo pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Thứ nhất, quyền tác giả có yếu tố nước ngoài theo pháp luật quốc tế
Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, tồn tại 3 hình thức để bảo hộ quốc tế quyền tác giả như sau:
– Kí kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế đa phương, như công ước Berne 1886, hiệp định TRIPs 1994, hiệp ước WPPT 1994…
– Kí kết điều ước song phương, như hiệp định giữa Việt Nam – Hoa Kỳ 1997, hiệp định giữa Việt Nam – Thụy Sĩ 1999…
– Bảo hộ theo nguyên tắc có đi có lại: các bên giành cho nhau sự bảo hộ đối với tác phẩm của công dân mỗi bên.
Trong số các điều ước quốc tế để bảo hộ quốc tế quyền tác giả ,Công ước Berne là một ví dụ điển hình. Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, được ký tại Bern (Thụy Sĩ) năm 1886, lần đầu tiên thiết lập và bảo vệ quyền tác giả giữa các quốc gia có chủ quyền. Nó được hình thành sau các nỗ lực vận động của Victor Hugo. Trước khi có công ước Bern, các quốc gia thường từ chối quyền tác giả của các tác phẩm ngoại quốc. Ví dụ, một tác phẩm xuất bản ở một quốc gia được bảo vệ quyền tác giả tại đó, nhưng lại có thể bị sao chép và xuất bản tự do không cần xin phép tại quốc gia khác.
– Nguyên tắc bảo hộ theo công ước Berne:
+ Nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment): Theo khoản 1 Điều 5 Công ước Berne, mỗi quốc gia thành viên sẽ dành sự bảo hộ cho các tác phẩm văn hoc, nghệ thuật và khoa học của công dân quốc gia thành viên khác của Công ước tương tự như sự bảo hộ tác phẩm của công dân chính quốc gia mình.
+ Nguyên tắc bảo hộ tự động (Automatic Protection): Quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm định hình dưới một dạng vật chất nhất định mà không lệ thuộc vào bất kì thủ tục nào (khoản 2 Điều 5). Quyền tác giả, theo công ước Berne là tự động: không cần phải đăng ký tác quyền, không cần phải viết trong thông báo tác quyền.
+ Nguyên tắc bảo hộ độc lập (Independence of Proctection): Việc hưởng và thực thi các quyền theo Công ước là độc lập với những gì được hưởng tại nước xuất xứ của tác phẩm (khoản 2 Điều 5).
+ Nguyên tắc bảo hộ tối thiểu: Các quốc gia thành viên khi bảo hộ cho các tác phẩm có xuất xứ từ các quốc gia thành viên phải đảm bảo ít nhất các tiêu chuẩn được quy định trong Công ước.
– Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điều 2): Các tác phẩm gốc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học; Các tác phẩm phái sinh; Các tuyển tập tác phẩm văn học và nghệ thuật.
– Điều kiện bảo hộ: Một tác phẩm muốn được bảo hộ phải thỏa mãn 2 tiêu chí: quốc tịch của tác giả và nơi công bố tác phẩm lần đầu tiên.
– Các quyền được bảo hộ: Quy định cụ thể tại Điều 6 , Điều 8, Điều 9, Điều 10 , Điều 11, Điều 12, Điều 14, Điều 15, Điều 16 , gồm: quyền kinh tế (Economic Rights), quyền tinh thần (Moral Rights) và quyền tiếp theo (Droit de suit).
– Thời hạn bảo hộ: Bắt đầu từ khi tác giả sáng tạo ra tác phẩm và tiếp tục cho đến một khoảng thời gian sau khi tác giả chết. Có 2 nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc tính thời hạn bảo hộ theo đời người và không dựa theo đời người (Điều 7). Công ước Berne cho phép tác giả được hưởng tác quyền suốt đời cộng thêm tối thiểu 50 năm sau đó. Tuy nhiên các quốc gia tuân thủ công ước được phép nâng thời hạn hưởng tác quyền dài hơn, như Cộng đồng châu Âu đã làm năm 1993. Hoa Kỳ cũng gia hạn tác quyền, như trong Đạo luật Kéo dài Bản quyền Sonny Bono năm 1998. Một số nước tuân thủ phiên bản cũ của công ước Bern cho phép tác giả được hưởng suốt đời cộng 70 năm. Thời hạn này có thể giảm đối với một số loại tác phẩm nghệ thuật (như điện ảnh) hoặc đối với các tác phẩm là công trình của một cơ quan thì thời hạn tác quyền là 95 năm sau lần xuất bản đầu tiên.
– Các quy định liên quan đến thực thi quyền tác giả: Quy định tại khoản 3 Điều 13, Điều 15 về quyền khởi kiện, Điều 16 và Điều 17 là các biện pháp được áp dụng trong quá trình thực thi quyền tác giả.
– Hiệu lực hồi tố: Theo Điều 18 thì Công ước bảo hộ cả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học tồn tại trước khi Công ước có hiệu lực tại nước xuất xứ tác phẩm nếu nó chưa hết thời gian bảo hộ theo quy định từ trước của quốc gia đó.
– Ưu đãi dành cho các quốc gia thành viên là các nước đang phát triển như Việt Nam: Với mong muốn dành cho các nước đang có trình độ phát triển kinh tế – xã hội thấp những ưu đãi hơn so với các nước thành viên khác để các nước này có thể dễ dàng tham gia vào sân chơi chung của Công ước, Công ước đã quy định những điều khoản về ưu đãi, miễn trừ tại phần Phụ lục. Ngày 26 tháng 7 năm 2004, chính phủ Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Công ước Berne. Trong văn kiện này, nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố bảo lưu các quy định tại Điều 33(1) của Công ước Berne và áp dụng chế độ ưu đãi dành cho các nước đang phát triển theo Điều II và Điều III của Phụ lục Công ước Berne. Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 26 tháng 10 năm 2004.
Thứ hai, quy định về quyền tác giả có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
Một quốc gia muốn phát triển không chỉ trông chờ vào nguồn lực bên trong, mà vai trò của nguồn lực bên ngoài, tức chất xám của nước ngoài cũng rất quan trọng, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Chính vì vậy việc bảo hộ tốt quyền tác giả có yếu tố nước ngoài góp phần thu hút sự đóng góp chất xám của người nước ngoài.
Theo pháp luật Việt Nam, tác giả là công dân Việt Nam có tác phẩm, công trình chưa công bố ở trong nước mà được sử dụng lần đầu tiên dưới bất kỳ hình thức nào ở nước ngoài cũng sẽ được hưởng quyền tác giả ở nước sử dụng tác phẩm đó;Việc công bố tác phẩm của công dân Việt Nam ở nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản có thẩm quyền cho phép và phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định tại điều 774 Bộ luật dân sự 2015 quyền tác giả có yếu tố nước ngoài: “Quyền tác giả của người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài đối với tác phẩm lần đầu tiên được công bố, phổ biến tại Việt Nam hoặc được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức nhất định tại Việt Nam được bảo hộ theo quy định của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.
Vịêc đăng ký bảo hộ quyền tác giả của tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác cũng được bảo hộ tại Việt Nam (Điều 13 Luật sở hữu trí tụê hiện hành).
Vịêc bảo hộ quyền tác giả của tổ chức,các nhân nước ngoài tại Việt Nam cũng được thực hiện theo các điều ước quốc tế đa phương và song phương.
XEM NGAY VIDEO HƯỚNG DẪN VIẾT TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
- Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Email: contact.newvisionlaw@gmail.com
- Hotline: Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0984.769.278
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!