1
Bạn cần Luật sư hỗ trợ?

Hiểu như thế nào về các thuật ngữ: phát minh, phát hiện và sáng chế

1364340534_Newvision(1)

1.Khái niệm phát minh, phát hiện và sáng chế

Phát minh (Discovery)

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Phát minh: Sự phát hiện một sự vật, một hiện tượng hoặc một quy luật tồn tại khách quan của tự nhiên mà con người chưa từng biết tới. Phát minh làm thay đổi, nâng cao trình độ nhận thức của con người đối với tự nhiên và tạo cơ sở để con người lợi dụng, chế ngự tự nhiên. Phát minh khoa học là yếu tố quyết định đối với tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Phát minh thường gắn liền với những nghiên cứu cơ bản trong khoa học lý thuyết và khoa học ứng dụng. Phát minh phản ánh các mối quan hệ hiện thực khách quan cơ bản và những tính chất của các hiện tượng trong thế giới hiện thực”

Một số ví dụ về phát minh như: Archimède phát minh định luật sức nâng của nước, Newton phát minh định luật vạn vật hấp dẫn, Nguyễn Văn Hiệu phát minh định luật bất biến tiết diện của các quá trình sinh hạt…

Phát minh có các tiêu chí sau: Chỉ có trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, đã tồn tại khách quan (không có tính mới), có khả năng áp dụng để giải thích thế giới, nhưng chưa thể áp dụng trực tiếp vào sản xuất hoặc đời sống mà phải thông qua các giải pháp kỹ thuật, nó không có giá trị thương mại.

Phát hiện (tiếng Anh cũng là Discovery):  Là việc khám phá ra những vật thể, những quy luật xã hội đang tồn tại một cách khách quan. Ví dụ: Kock phát hiện vi trùng lao, Marie Curie phát hiện nguyên tố phóng xạ radium, Colomb phát hiện châu Mỹ, Adam Smith phát hiện quy luật “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường .

Tương tự như phát minh, phát hiện cũng không có tính mới, nó chỉ khám phá ra các vật thể hoặc các quy luật xã hội, làm thay đổi nhận thức, chưa thể áp dụng trực tiếp vào đời sống, nó không có giá trị thương mại. Bởi vậy người ta không mua, bán, chuyển quyền sử dụng các phát minh, phát hiện.

Sáng chế (Invention)

Từ điển Bách khoa Việt Nam định nghĩa: “Sáng chế: Giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Sáng chế là một trong những đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ”.

Luật SHTT của Việt Nam định nghĩa: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”.

Ví dụ: James Watt sáng chế máy hơi nước, Nobel sáng chế công thức thuốc nổ TNT…

Giải pháp kỹ thuật có thể tồn tại dưới các hình thức sau: Là dạng vật thể, ví dụ: Máy móc, dụng cụ, thiết bị, linh kiện…; là dạng chất thể, ví dụ: Thực phẩm, dược phẩm, vật liệu…; là dạng quy trình, ví dụ: Quy trình xử lý nước thải, quy trình công nghệ sản xuất xi măng…

Sáng chế có khả năng áp dụng trực tiếp vào sản xuất và đời sống, nó có ý nghĩa thương mại, trong thực tế người ta có thể mua, bán sáng chế (chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế) hoặc license sáng chế (chuyển quyền sử dụng sáng chế).

Có 3 tiêu chí bắt buộc để một giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế (Patent), đó là: Có tính mới (so với thế giới); có trình độ sáng tạo; có khả năng áp dụng công nghiệp.

Tính mới là một trong những tiêu chí hàng đầu của sáng chế (phát minh và phát hiện không có tiêu chí này). Như vậy, một sáng chế không sử dụng tình trạng kỹ thuật đã biết.

Trình độ sáng tạo của sáng chế được thể hiện trên 3 khía cạnh, đó là: Vấn đề cần giải quyết, giải pháp cho vấn đề đó và các ưu điểm của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật đã biết.

Khả năng áp dụng công nghiệp của một sáng chế là vệc sản xuất, sử dụng sáng chế đó bằng những phương tiện kỹ thuật ở một quy mô nhất định. Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

2.Có bảo hộ quyền SHTT đối với phát minh, phát hiện và sáng chế không?

Luật SHTT đã chỉ rõ đối tượng quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp; quyền đối với giống cây trồng.

Bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện

Bản viết về phát minh và phát hiện được coi là tác phẩm khoa học, là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả theo Công ước Berne 1886 về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật và theo Luật SHTT.

Cần phải nhấn mạnh rằng, Luật SHTT không bảo hộ bản thân phát minh và phát hiện, mà chỉ bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện. Tuy nhiên, việc bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện không đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cấp văn bằng bảo hộ chúng. Quyền tác giả đối với bản viết về phát minh và phát hiện tự động phát sinh kể từ thời điểm tác phẩm viết về chúng được định hình dưới một dạng vật chất nhất định, nhân đây cũng cần nhắc lại là một số người đã quan niệm sai rằng để một tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả thì nhất thiết phải đăng ký bảo hộ nó. Luật SHTT quy định: “… việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả”. Không một quốc gia nào trên thế giới lại cấp Patent cho phát minh, ngoại trừ trước đây có Liên Xô (cũ) đã cấp Diplôm cho phát minh.

3. Bảo hộ sáng chế

Sáng chế là một trong các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định của Công ước Paris 1883 về bảo hộ sở hữu công nghiệp và theo Luật SHTT. Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế là Bằng độc quyền sáng chế (Patent), có hiệu lực trên lãnh thổ quốc gia cấp bằng và kéo dài trong thời hạn 20 năm. Như vậy, để bảo hộ một sáng chế, bắt buộc nó phải được cấp Patent (khác biệt cơ bản so với phát minh và phát hiện).

Cần lưu ý rằng, Luật SHTT coi bản thân phát minh không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế. Như vậy, nói “bảo hộ phát minh” là sai.

4.Sự khác nhau về việc bảo hộ bản viết về phát minh, phát hiện và bảo hộ sáng chế

Đặc trưng đáng chú ý nhất của việc bảo hộ bản viết về phát minh và phát hiện theo cơ chế quyền tác giả, đó là pháp luật không ngăn cấm người khác quyền sử dụng bản thân phát minh và phát hiện, nhưng lại ngăn cấm hành vi của người khác sửa chữa, thay đổi, xuyên tạc bản thân phát minh và phát hiện.

Đặc trưng đáng chú ý nhất của việc bảo hộ sáng chế theo cơ chế quyền sở hữu công nghiệp, đó là pháp luật ngăn cấm người khác quyền sử dụng sáng chế trong thời hạn và trên lãnh thổ được bảo hộ nếu chưa được phép của chủ sở hữu sáng chế.

Quyền nhân thân không thể chuyển giao của tác giả phát minh và phát hiện tồn tại vĩnh viễn, bao gồm: Quyền đặt tên cho phát minh và phát hiện; quyền đứng tên đối với phát minh và phát hiện; quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phát minh và phát hiện. Trong khi đó, quyền nhân thân của tác giả sáng chế chỉ bao gồm: Được ghi tên là tác giả trong Bằng độc quyền sáng chế; quyền được nêu tên trong các tài liệu công bố, giới thiệu về sáng chế.

Như vậy, trong trường hợp đã chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế hoặc chuyển quyền sử dụng sáng chế, thì tác giả của sáng chế không có quyền ngăn cấm chủ sở hữu mới hoặc người sử dụng mới quyền cải tiến sáng chế mà mình là tác giả. Quy định này trái ngược hoàn toàn với quyền bảo vệ sự toàn vẹn của phát minh và phát hiện đối với tác giả của chúng.

 

XEM NGAY VIDEO HƯỚNG DẪN VIẾT TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

 

ảnh đại diện luật sư tuấn

Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí

  • Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
  • Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
  • Email: contact.newvisionlaw@gmail.com
  • Hotline: Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0984.769.278

Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận Google+
  • Bình luận Web