Cách xây dựng bản mô tả sáng chế hay giải pháp hữu ích
Đơn đăng ký sáng chế có nhiều phần, ví dụ, tên sáng chế, thông tin thư mục và bản tóm tắt sáng chế. Tuy nhiên, với mục đích hiện tại của người đăng ký, thì hai phần quan trọng nhất của đơn đăng ký sáng chế là bản mô tả chi tiết sáng chế và “yêu cầu bảo hộ” mà thường nằm ở phần cuối của bản mô tả. Bản mô tả phải bộc lộ sáng chế bằng các từ ngữ rõ ràng và chính xác.
►Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích (Bản mô tả) cần phải có các nội dung sau:
– Tên sáng chế/giải pháp hữu ích;
– Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập;
– Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;
– Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích;
– Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo, nếu có;
– Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích, nếu cần;
– Phần Yêu cầu bảo hộ.
Thông thường, bản mô tả sáng chế phải có hình ảnh minh họa cho những ý tưởng hoặc khái niệm mới bằng các ví dụ cụ thể để giải thích cách thức hoạt động hoặc áp dụng sáng chế trong thực tiễn, nhằm cho phép người có trình độ trung bình trong lĩnh vực công nghệ có liên quan có thể hiểu được sáng chế được yêu cầu bảo hộ và sử dụng các thông tin kỹ thuật chứa trong bản mô tả sáng chế để thực hành hoặc lặp lại sáng chế mà không cần phải thử nghiệm nhiều lần.
a. Tên sáng chế/giải pháp hữu ích:
Tên sáng chế/giải pháp hữu ích phải ngắn gọn, rõ ràng, thể hiện vắn tắt dạng đối tượng, chức năng hoặc lĩnh vực kỹ thuật và bản chất của đối tượng đó và phải phù hợp với bản chất của sáng chế / giải pháp hữu ích như được thể hiện chi tiết ở phần “Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích” của Bản mô tả.
b. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập
Phải chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật mà sáng chế/giải pháp hữu ích được sử dụng hoặc liên quan tới.
c. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích
Phải nêu các thông tin về các giải pháp kỹ thuật đã biết tính đến ngày ưu tiên của Đơn tương tự (có cùng mục đích hoặc cùng giải quyết một vấn đề kỹ thuật) với sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn.
Trên cơ sở các giải pháp đã biết đó, cần chỉ ra giải pháp có bản chất kỹ thuật gần giống nhất với sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn, mô tả tóm tắt bản chất giải pháp này và nêu các hạn chế, thiếu sót của giải pháp đó trong việc giải quyết vấn đề kỹ thuật hoặc đạt được mục đích mà sáng chế/giải pháp hữu ích nêu trong Đơn đề cập tới.
Nguồn của các thông tin nói trên phải được chỉ dẫn rõ ràng. Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật thì phải ghi rõ điều đó.
d. Mô tả bản chất kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích
Phần mô tả được mở đầu bằng đoạn trình bày mục đích mà sáng chế/giải pháp hữu ích cần đạt được hoặc vấn đề kỹ thuật mà sáng chế/giải pháp hữu ích cần phải giải quyết nhằm khắc phục các hạn chế, thiếu sót của giải pháp gần giống nhất đã biết nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích”.
Tiếp theo là mô tả các dấu hiệu cấu thành sáng chế/giải pháp hữu ích. Đặc biệt phải trình bày các dấu hiệu mới của sáng chế/giải pháp hữu ích so với giải pháp kỹ thuật gần giống nhất nêu ở phần “Tình trạng kỹ thuật của sáng chế/giải pháp hữu ích”.
e. Mô tả vắn tắt các hình vẽ
Nếu trong Bản mô tả có hình vẽ nhằm làm rõ bản chất sáng chế/giải pháp hữu ích thì phải có danh mục các hình vẽ và giải thích vắn tắt từng hình vẽ.
Mô tả chi tiết sáng chế/giải pháp hữu ích
Tùy thuộc vào dạng sáng chế/giải pháp hữu ích mà có thể mô tả chi tiết sáng chế theo các nội dung khác nhau. Các dạng sáng chế đó là theo cơ cấu, phương pháp, chất, vật liệu sinh học và dạng sử dụng.
f. Ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích
Trong phần này cần chỉ ra một hoặc một vài ví dụ thực hiện sáng chế/giải pháp hữu ích để chứng minh khả năng áp dụng của sáng chế/giải pháp hữu ích.
i. Hiệu quả đạt được
Trong phần này nên đưa ra các hiệu quả kỹ thuật-kinh tế của sáng chế/giải pháp hữu ích để chứng minh ưu điểm của nó so với giải pháp kỹ thuật đã biết.
Hình vẽ phải được thể hiện theo các quy định về vẽ kỹ thuật.
j. Yêu cầu bảo hộ:
Kết thúc mỗi bản mô tả chi tiết sáng chế, thường có một hoặc một số kết luận, được gọi là “yêu cầu bảo hộ”, trong đó xác định rõ ràng và cụ thể sáng chế. Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ thường là một câu duy nhất, với một danh mục các yếu tố(hoặc danh mục các bước trong một phương pháp hoặc quy trình bảo hộ) và giải thích cách thức hoạt động của sáng chế. Thông thường, hầu hết các yếu tố riêng biệt của yêu cầu bảo hộ là cũ! Yếu tố mới có thể chỉ là sự kết hợp các yếu tố cũ hoặc một số cũ và một số mới. Ngoài ra, ở một số nước, một điểm yêu cầu bảo hộ có thể là phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm cũ, hoặc có thể là việc đơn giản hóa một sản phẩm hoặc quy trình đã biết.
+ Cách lập Yêu cầu bảo hộ: Mỗi điểm độc lập trong yêu cầu bảo hộ cần phải được viết thành một câu và nên (nhưng không bắt buộc) gồm hai phần:
Phần thứ nhất, gọi là phần giới hạn, gồm tên đối tượng và các dấu hiệu cần để xác định sáng chế/giải pháp hữu ích và trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết nêu ở phần tình trạng kỹ thuật;
Phần thứ hai, gọi là phần khác biệt, bắt đầu bằng các từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương khác và chỉ ra các dấu hiệu khác biệt của sáng chế/giải pháp hữu ích mà các dấu hiệu này khi kết hợp với các dấu hiệu đã biết ở phần giới hạn tạo nên sáng chế/giải pháp hữu ích.
– Bản tóm tắt là phần trình bày ngắn gọn (không quá 150 từ) về bản chất của sáng chế/giải pháp hữu ích đã được bộc lộ trong Bản mô tả, Yêu cầu bảo hộ và Hình vẽ nhằm cung cấp các thông tin tóm tắt về sáng chế/giải pháp hữu ích. Bản tóm tắt có thể được minh họa bằng hình vẽ đặc trưng.
XEM NGAY VIDEO HƯỚNG DẪN VIẾT TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
- Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Email: contact.newvisionlaw@gmail.com
- Hotline: Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0984.769.278
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!