Cuộc biểu diễn trong bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả
Bên cạnh những tác phẩm mà công chúng có thể tự tiếp cận, hưởng thụ, có một bộ phận tác phẩm chỉ có thể được truyền tải đến công chúng thông qua đội ngũ trung gian, đó là những người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát thanh, truyền hình. Đây là những người sử dụng tác phẩm nhưng tính chất sử dụng hoàn toàn khác với việc công chúng sử dụng. Hoạt động của họ là hoạt động mang tính chất chuyên nghiệp, có mục đích lợi nhuận,có kỹ năng, có tính sáng tạo để phổ biến tác phẩm đến đông đảo công chúng. Để truyền tải tác phẩm đến công chúng với chất lượng tốt nhất,họ đã phải đầu tư không ít tiền bạc và trí tuệ. Vì vậy, bên cạnh tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm , những người hỗ trợ tích cực cho việc đưa tác phẩm đến với công chúng cũng cần sự bảo hộ thỏa đáng về pháp luật,trong đó có quyền cho người biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình.
Theo quy định tại Điều 17 Luật sở hữu trí tuệ các đối tượng quyền liên quan bao gồm : Cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Như vậy, cuộc biểu diễn cũng là một trong những đối tượng quan trọng được bảo hộ quyền liên quan. Các quy định của pháp luật hiện hành không đưa ra một khái niệm thế nào là cuộc biểu diễn. Khoản 1 Điều 16 Luật sở hữu trí tuệ chỉ liệt kê những chủ thể của quyền liên quan là “diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật (sau đây gọi chung là người biểu diễn)”, theo đó có thể gián tiếp hiểu rằng biểu diễn là việc “ trình bày tác phẩm văn học , nghệ thuật”. Công ước Rome – công ước quốc tế về bảo hộ người biểu diễn , nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng tại Điều 3 cũng đưa ra “ định nghĩa về người biểu diễn” là các diễn viên, ca sỹ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật” , theo đó là sự “ nhập vai, hát, đọc, ngâm, trình bày , hoặc biểu diễn tác phẩm văn học, nghệ thuật”. Hiệp ước WIPO về biểu diễn nhưng có bổ sung thêm một hình thức biểu diễn là “thể hiện tác phẩm văn học dân gian”.
Hiểu một cách chung nhất, cuộc biểu diễn là sự trình diễn tác phẩm, văn học, nghệ thuật mang tính sáng tạo của một hoặc nhiều người nhằm hướng tới việc truyền tải tác phẩm đến đông đảo công chúng. Đó có thể là buổi biểu diễn trực tiếp tác phẩm âm nhạc (tác phẩm thanh nhạc haowjc khí nhạc), tác phẩm sân khấu ( kịch nói, chèo hãy vũ kịch); đọc, ngâm một tác phẩm văn học… Không giống như hành vi sử dụng tác phẩm của công chúng, hoạt động biểu diễn là hoạt động có tính sáng tạo, đạt đến một trình độ nghệ thuật nhất định để đáp ứng nhu cầu trong việc thưởng thức tác phẩm. Người biểu diễn và những người hỗ trợ cho họ phải đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ, tiền bạc để buổi biểu diễn đạt kết quả cao nhất.Do đó cuộc biểu diễn là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của người biểu diễn, mang đậm dấu ấn cá nhân của họ.
Trung tâm của cuộc biểu diễn là người biểu diễn – cầu nối giữa tác phẩm và khán giả. Vì vậy, sự trình diễn tác phẩm nhưng không có sự hiện diện của người biểu diễn sẽ không được coi là cuộc biểu diễn. Ví dụ: trình diễn tác phẩm hội họa, điêu khắc, các công trình nghệ thuật sắp đặt… Pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế không quy định cuộc biểu diễn nhất thiết phải trình diễn trước khán giả. Như vậy, cuộc biểu diễn có thể diễn ra ở bất cứ đâu (không nhất thiết phải trên sân khấu ), có thể biểu diễn trước khán giả hoặc trước máy quay, miễn là sự trình diễn hướng tới việc truyền tải tác phẩm, phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng.
Thông thường cuộc biểu diễn thường dựa trên tác phẩm có sẵn, tuy nhiên nó có thể là sự sáng tạo mang tính chất ngẫu hứng của người biểu diễn. Ví dụ: Người chơi một loại nhạc cụ độc đáo đã ngẫn hứng sáng tạo ra một bản nhạc với những âm thanh giai điệu hoàn toàn mới trong cuộc biểu diễn. Màn trình diễn của một DJ (dish- jockey) với việc áp dụng các kỹ thuật đặc biệt cũng như sự sáng tạo của họ khi phối một hoặc nhiều bản ghi âm có thể coi là cuộc biểu diễn vì đó là một hình thức thể hiện tác phẩm âm nhạc. Bên cạnh đó, do kỹ thuật phối và sự sáng tạo trong việc lựa chọn mà DJ có thể tạo ra những “ bản nhạc mới” rất khác nhau mà thậm chí người nghe không nhận ra được bản nhạc gốc được sử dụng.
Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu được thực hiện – được trình diễn bởi người biểu diễn , “ được định hình” trên bản ghi âm, ghi hình hoặc được phát sóng. Như vậy, cuộc biểu diễn không nhất thiết phải được định hình trên một phương tiện hay hình thức nào mới được bảo hộ ( đây là điểm khác so với việc bảo hộ tác phẩm)
Do tính chất giới hạn về không gian bảo hộ của quyền tác giả nói chung, quyền liên quan nói riêng, khoản 1 điều 17 Luật sở hữu trí tuệ quy định phạm vi cuộc biểu diễn được bảo hộ:
Cuộc biểu diễn được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Cuộc biểu diễn do công dân Việt Nam thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;
b) Cuộc biểu diễn do người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;
c) Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định tại Điều 30 của Luật này;
d) Cuộc biểu diễn chưa được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo quy định tại Điều 31 của Luật này;
đ) Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Tại Điều 29 Luật sở hữu trí tuệ có quy định quyền của nguwofi biểu diễn đối với cuộc biểu diễn của mình bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 34 Luật sở hữu trí tuệ có quy định thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn : “ được bảo hộ năm mươi năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình”.Thời hạn bảo hộ này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.
Việc bảo hộ cuộc biểu diễn nhằm đảm bảo quyền cho người biểu diễn bởi họ là người hỗ trợ tích cực cho việc đưa ra tác phẩm đến với công chúng, tạo ra những sản phẩm sáng tạo để công chúng có thể thưởng thức , làm tăng khả năng tiếp cận của công chúng đối với tác phẩm.
XEM NGAY VIDEO HƯỚNG DẪN VIẾT TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
- Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Email: contact.newvisionlaw@gmail.com
- Hotline: Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0984.769.278
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!