Có được đăng ký nhãn hiệu của công ty đã tuyên bố phá sản không ?
Câu hỏi:
Tháng 10 năm nay (2017), Công ty tôi muốn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu WAKA cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Qua tra cứu, công ty tôi được biết Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu WAKA dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho Công ty khác tại tỉnh Hải Dương ngày 15/04/2006. Công ty này đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 11/2008.
Công ty tôi có khả năng đăng ký nhãn hiệu WAKA không? Xin luật sư tư vấn giúp tôi!
Luật sư trả lời:
Với trường hợp của bạn Công ty luật Newvision đưa ra sự tư vấn như sau:
Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp thì:
+ Công ty bạn có nhu cầu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu WAKA cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi
+ Công ty khác là chủ sở hữu nhãn hiệu WAKA dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ vào ngày 15/04/2006.
+ Công ty này đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 11/2008.
Trên cơ sở những thông tin bạn đưa ra, công ty bạn hoàn toàn có khả năng được đăng ký nhãn hiệu WAKA cho sản phẩm thức ăn cho động vật dựa trên những căn cứ pháp lý sau:
Thứ nhất: căn cứ vào khoản 1 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 về Quyền đăng ký nhãn hiệu : “Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp”. Theo tinh thần của điều luật thì đăng ký nhãn hiệu là quyền của cá nhân, tổ chức. Như vậy, theo tình huống mà đề bài đưa ra, công ty bạn là pháp nhân tiến hành hoạt động sản xuất, dịch vụ hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu WAKA cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi do công ty bạn sản xuất.
Thứ hai: để nhãn hiệu WAKA của công ty bạn được bảo hộ thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 72 LSHTT, theo đó:
+ Nhãn hiệu WAKA là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
+ Nhãn hiệu WAKA phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 LSHTT thì: “Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này. Dẫn chiếu tới điểm c khoản 1 Điều 95 về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ khi: “Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người thừa kế hợp pháp”. Trong trường hợp này, nhãn hiệu WAKA của công ty bạn không bị coi là nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng.
⇒Như vậy, theo dữ liệu bạn cung cấp thì Cục sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu WAKA dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho công ty tại tỉnh Hải Dương ngày 15/4/2006. Công ty đó đã tuyên bố phá sản và chấm dứt hoạt động từ tháng 11/2008. Điều này có nghĩa là từ tháng 11/2008, chủ văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm hạt giống, phân bón, thức ăn động vật (công ty ở Hải Dương) không còn tồn tại và tính từ đó đến thời điểm tháng 10/2017 thì công ty đó đã không sử dụng nhãn hiệu WAKA được 8 năm 11 tháng nên văn bằng bảo hộ cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật của công ty này chấm dứt hiệu lực. Do vậy, công ty bạn hoàn toàn có khả năng đăng ký nhãn hiệu WAKA cho sản phẩm thức ăn chăn nuôi do mình sản xuất.
XEM NGAY VIDEO HƯỚNG DẪN VIẾT TỜ KHAI ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí
- Phòng Sở hữu Trí Tuệ - VP Luật Newvision Law
- Địa chỉ: Số 34, Ngõ 187 Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
- Email: contact.newvisionlaw@gmail.com
- Hotline: Hotline tư vấn sở hữu trí tuệ: 0984.769.278
Hoặc Bạn Có Thể Gửi Nội Dung Đăng Ký Tư Vấn Miễn Phí Qua Biểu Mẫu Dưới Đây Chúng Tôi/Luật Sư Sẽ Liên Hệ Lại Ngay!